Ngành điện – điện tử là một ngành nghề khá quan trọng với đời sống. Nói là khá quan trọng nếu không muốn nói là nó rất quan trọng. Bởi vậy, nguồn nhân lực cho ngành này không bao giờ là thừa. Nhưng một số bạn học sinh và các bậc phụ huynh lại có những băn khoăn cho nghề nghiệp này.
Nhân lực ngành điện – điện tử đang thiếu hụt
Do xu hướng công nghệ luôn phát triển cộng với đòi hỏi từ thực tế nên hiện nhu cầu nhân lực của ngành Điện – Điện tử vẫn không ngừng tăng cao, dù đã xuất hiện một thời gian dài.
Tại những nước phát triển như Mỹ, nghề kỹ sư điện hiện xếp ở vị trí thứ 8 trong danh sách 10 công việc có mức lương khởi điểm cao nhất, với mức lương trung bình là 54.400 USD/năm theo số liệu của US News năm 2014. Còn tại Úc, kỹ sư điện cũng là một trong những nghề có mức tăng trưởng cao nhất trong những năm vừa qua với tỷ lệ tăng trưởng lên đến 47,4% so với mức 7,8% chung của tất cả các ngành. Theo số liệu thống kê tháng 11/2015, có khoảng 27.500 lao động hiệnđang làm việc trong ngành này và dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 15.000 – 28.000 lao động cho tới tháng 5/2018. Kỹ sư điện tại Úc chủ yếu làm những công việc toàn thời gian chiếm 95,5%, với thời gian làm việc trung bình là 41,7giờ/tuần và thu nhập trước thuế là 1.841AUD/tuần .
Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay các ngành về cơ khí kỹ thuật như: Điện tử viễn thông, cơ Điện tử, luyện kim, Ôtô, chế tạo máy… đang rất thiếu nhân lực. Nguồn nhân lực ngành này hiện chỉ đạt 54,87%. Vì vậy, cơ hội việc làm cho những sinh viên theo học những nhóm ngành nói trên là rất cao.
Học Điện – Điện tử ra trường sẽ làm gì
Xã hội ngày càng phát triển, việc hiện đại hoá sản xuất để nâng cao năng suất lao động là nhu cầu rất cần thiết. Hiện nay, các nhà máy đều đang hướng đến tự động hóa điều khiển máy móc thông qua các hệ thống điều khiển.Tuy vậy, vì được học nhiều kiến thức liên quan đến điện và điện tử nên bên cạnh công việc nói trên, kỹ sư ngành Điện – Điện tử có thể làm được rất nhiều công việc. Chẳng hạn, họ có thể làm việc tại công ty điện lực, các nhà máy sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện, các phòng thí nghiệm, cơ sở kinh doanh, nghiên cứu về quy hoạch mạng lưới kỹ thuật điện. Ngoài ra kỹ sư Điện – Điện tử còn có thể tham gia công tác trực tiếp hoặc tư vấn thiết kế, vận hành mạng lưới điện tại tất cả công ty, nhà máy sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất công nghiệp tự động hóa và điện tử hóa cao.Ngoài ra, kỹ sư Điện – Điện tử còn có thể làm việc trong ngành bưu chính viễn thông, Tổng cục Điện tử Việt Nam và các công ty trực thuộc…
Với vai trò đặc biệt quan trọng và cơ hội phát triển nghề nghiệp đa dạng, sinh viên ngành Điện – Điện tử có thể tự tin về một việc làm phù hợp với mức thu nhập ổn định sau khi ra trường.
Sinh viên cần phải học những gì?
Đặc điểm chung ngành điện điện tử là xây dựng hệ thống điều khiển tự động bằng tín hiệu điện, kiểm soát các thông số điện đến máy móc một cách tự động. Do vậy ngành này sẽ tập trung vào nguyên lý và ứng dụng của các thiết bị trong hệ thống này.Đầu tiên, liên quan đến việc điều khiển đến tín hiệu điện thì luôn liên quan đến các mạch điện tử, nên khi đã làm ở ngành Điện – Điện tử thì phải am hiểu về các loại linh kiện điện tử, mạch điện tử, hoặc chí ít là hiệu về công dụng điều khiển tín hiệu điện của các mạch điện tử xây dựng sẵn.
Ở bậc Cao đẳng – Đại học, kỹ thuật điện điện tử còn được nhiều trường phân ngành chuyên sâu hơn như là điều khiển tự động, điện tử viễn thông… Các chuyên ngành này đều trang bị, cập nhật cho sinh viên những kiến thức cơ bản và chuyên ngành về kỹ thuật, thiết kế, điều hành sản xuất trong lĩnh vực mình đã lựa chọn. Cụ thể, sinh viên sẽ được học nhiều kiến thức liên quan đến khí cụ điện hạ áp, hình họa, vẽ kỹ thuật, vật liệu điện, đo lường điện, kỹ thuật cao tần, mạch điện, an toàn điện…